TUYÊN NGÔN BANGKOK 2006

Thông Cáo Chung Hội nghị Quốc tế Phật giáo lần thứ Ba về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc tại Buddharmonthon, Nakhon Pathom, và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, Bangkok, Thái Lan từ Ngày 7 đến 10 tháng 5 năm 2006 (Phật lịch 2549).

​Chúng tôi, những tham dự viên của 46 quốc gia và vùng thuộc Hội nghị Quốc tế Phật giáo về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc tại Buddharmonthon, tỉnh Nakhon Pathom, và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, thủ đô Bangkok, từ ngày 7 đến 10 tháng 5 năm 2006 (Phật lịch 2549), tri ân rằng Hội nghị đã được Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già Tối cao Thái Lan hỗ trợ rộng rãi trong khi toàn thể Vương quốc Thái Lan đang hân hoan kỷ niệm Lễ Đăng quang thứ 60 của Vua Bhumibol Adulvadej, và đồng thanh quyết nghị những điểm sau đây: 

​Với quy chiếu hoàn toàn về nghị quyết được thông qua vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, khóa họp thứ 54, mục Nghị sự số 174, về một đề nghị của 34 quốc gia rằng đại lễ Vesak Tam Hợp, vốn rơi vào ngày trăng tròn của tháng Năm, thì sẽ được thế giới công nhận và kỷ niệm tại các Trụ sở chính và Trụ sở vùng của Liên Hiệp quốc kể từ năm 2000 trở đi, rằng Ngày Liên Hiệp quốc Vesak Tam Hợp đó sẽ được đồng kỷ niệm bởi tất cả các truyền thống tông phái Phật giáo;

​Ngoài ra, để củng cố sự cảm thông và hợp tác giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau, giữa các tổ chức hoặc cá nhân Phật giáo khác nhau thông qua những đối thoại liên tục giữa giới lãnh đạo và học giả Phật giáo, chúng tôi đã quyết định sẽ phổ biến thông điệp hòa bình sau đây căn cứ trên lời dạy của Đức Phật về Trí tuệ và Từ bi.

Sau khi đã thăm dò những vấn đề liên quan đến Phật giáo và Thế giới, Hội nghị đã đồng ý những điều sau đây: 

​1. Gia tăng và nâng cao sự hợp tác giữa các trường phái Phật giáo để đẩy mạnh sự thống nhất và tình đoàn kết giữa các Phật tử.

​2. Đẩy mạnh các hành động dấn thân xã hội để tạo dựng các Pháp hội bằng cách nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự triển khai an bình nội tâm, và ứng phó với những động cơ đã thúc đẩy thân khẩu ý gây ra các mối bất hòa. 

​3. Thiết lập thêm nhiều trung tâm thiền định trên toàn thế giới và vì vậy phải gầy dựng thêm nhiều thiền sư.

​4. Xúc tiến việc sáng tác những tác phẩm giáo dục dể dùng cho các em thiếu nhi, thanh thiếu niên và người lớn thông qua sự thiết lập một thư viện điện tử như là một tàng thư Phật giáo trung ương. Tàng thư nầy sẽ là kết quả hợp tác giữa Hệ thống trang nhà Buddha Dhama Education & BuddhaNet và Đại học Malachulalongkornrajavidyalaya.

​5. Biên soạn và phát hành một tác phẩm có tính phổ biến quần chúng về Phật giáo để phát miễn phí tại các khách sạn trên toàn thế giới trong nỗ lực hoằng dương Phật pháp. Để thực hiện điều nầy, một Tiểu ban sẽ được hình thành trong khuôn khổ của Liên Ủy ban Tổ chức Quốc tế (JIOC).

​6. Thành lập một cơ quan quốc tế để chịu trách nhiệm về quan hệ quân chúng cho Phật giáo. 

7. Thúc đẩy các phe phái, tổ chức Liên Hiệp quốc, tổ chức UNESCO và các chính phủ liên hệ hãy bảo tồn gia tài văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật tử.

​8. Đề xướng những hành trì chuyển hóa nội tâm, được biểu hiện bằng đức tính tự chế, tự nguyện, giãn đơn và tiêu thụ khôn ngoan cũng như những nỗ lực đóng góp vào phong trào dấn thân xã hội và kết hợp trong việc triển khai những khuôn mẫu kinh tế mới.